Fan MU không phải ai cũng dễ chấp nhận khi MU đầu mùa thắng tưng bừng nhưng giờ lại chấp nhận những chiến thắng "xấu xí".
Giữ sạch lưới là ưu tiên
MU thắng một trận thắng khá ít tính thuyết phục khi phải nhờ một cú đá phạt của Marcus Rashford cộng thêm sai lầm của thủ môn Benfica để thắng tối thiểu 1-0 tại Bồ Đào Nha. Nhưng “Quỷ Đỏ” đang dẫn đầu bảng đấu của mình ở Champions League và nếu họ đoạt vé sớm, công việc của Jose Mourinho sẽ nhẹ nhàng hơn.
Sai lầm của thủ môn Benfica giúp MU thắng 1-0
Trận thắng này đến không lâu sau khi MU vừa chơi phòng thủ chặt để cầm hòa Liverpool tại Anfield và đón nhận sự chỉ trích của dư luận. Thế nhưng đây chẳng phải lần đầu, và hứa hẹn cũng không phải lần cuối, MU thắng một cách có phần may mắn và “xấu xí”. Sir Alex Ferguson cũng có lúc đưa MU tới những chiến thắng như vậy.
Khía cạnh phòng ngự quả thực là điều MU đang thể hiện rất tốt. Bất cứ sự kết hợp trung vệ nào hay sơ đồ thi đấu nào cũng đều mang tới sự ổn định ở tuyến sau, kết hợp với phong độ của David De Gea và MU đã có 9 trận giữ sạch lưới trong 12 trận gần nhất. Với lịch thi đấu không những dày mà còn có nhiều đối thủ mạnh, giải pháp chơi an toàn cũng là hợp lý, xét cho cùng MU sẽ chẳng kiếm thêm điểm phong cách.
Phản ứng tiêu cực của dư luận có lẽ cũng dễ hiểu hơn khi chúng ta nhìn vào phong độ của MU đầu mùa, họ trước đó còn thắng tưng bừng CSKA Moscow 4-1 và Crystal Palace 4-0. Những trận này đã đến sau khi Pogba bị thương nhưng tình hình chấn thương chưa nghiêm trọng, và đó cũng không phải đối thủ mạnh nên MU có thể chấp nhận rủi ro chơi tấn công.
Công thức chiến thắng
Ta thường có thể phân loại các HLV trưởng ra làm hai loại: một người có tính chủ động, người còn lại có tính phản ứng. Không thể nói cả hai loại HLV này loại nào tốt hơn bởi bối cảnh của họ rất khác nhau: Một HLV có tư duy chủ động về chiến thuật có thể hợp với đội mạnh nhưng không hợp cho đội yếu và ngược lại với HLV có tư duy phản ứng.
Jose Mourinho đưa MU từ tấn công vũ bão đầu mùa sang phòng ngự chặt chẽ
Jose Mourinho là một HLV có tư duy phản ứng, đội bóng của ông có thể ngày hôm nay đá tấn công đẹp mắt nhưng sẵn sàng chuyển sang chơi phòng ngự xấu xí ngày hôm sau. MU có nhiều tiền và nhiều cầu thủ hàng đầu, nhưng cũng có một HLV có tư duy phản ứng, tức ngay cả khi họ mạnh hơn đối phương về lý thuyết, họ vẫn có thể đá như đội “cửa dưới”.
Người ta đã từng so sánh Mourinho với tổng thống Mỹ Donald Trump do họ được cho là cùng có những phát ngôn gây tranh cãi. Sự tương đồng không dừng ở đó: Quan điểm chính trị của tổng thống Trump thường xuyên thay đổi. Tạp chí chính trị Politico tại Mỹ đã mô tả Trump là “theo chủ nghĩa chiết trung (pha trộn), thay đổi theo tình hình và đôi lúc tự mâu thuẫn chính mình”. Chưa kể chính Trump đã đổi đảng phái tới 5 lần kể từ năm 1987.
Và Jose Mourinho cũng vậy, ông phản ứng theo tình thế và MU do đó sẽ mang lại những hình ảnh trái ngược. Liệu khán giả có thể chấp nhận điều đó? Nên nhớ rằng Sir Alex Ferguson, một trong hai HLV vĩ đại nhất trong lịch sử MU, cũng là một HLV có tư duy phản ứng.
Jonathan Wilson, ký giả bóng đá nổi tiếng người Anh, trong cuốn “Kim tự tháp dựng ngược: Lịch sử chiến thuật bóng đá” đã viết rất ít về chiến thuật của MU thời Sir Alex Ferguson. Những trang sách của ông dành nhiều cho Johan Cruyff, Marcelo Bielsa và Pep Guardiola khi viết về thập niên 1990 và 2000, còn Sir Alex được nhắc đến trong những dòng mô tả ông bắt chước chiến thuật của các HLV khác như thế nào qua từng giai đoạn.
Nhưng Wilson cũng viết: “Nếu có một điều tách biệt những HLV thành công lâu dài so với phần còn lại - Sir Alex Ferguson, Valeriy Lobanovskyi, Bob Paisley, Boris Arkadiev - đó là họ đã luôn tiến hóa. Các đội bóng của họ thi đấu theo nhiều cách khác nhau, nhưng điểm chung là họ có sự nhận thức rõ ràng khi nào nên từ bỏ một công thức chiến thắng, và đủ can đảm để áp dụng một công thức mới”.